Vũ kịch Kiều: Phong cách ballet hiện đại chuyển tải những tinh hoa văn hóa Việt Nam
VHO - Lần đầu tiên Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được thể hiện bằng ngôn ngữ ballet, do Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM (HBSO) dàn dựng và tổ chức biểu diễn bởi sự đầu tư của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam. Vở Vũ kịch Kiều sẽ chính thức công diễn ở Nhà hát TP.HCM vào 20h tối nay 20.6, và tiếp sau đó tại Hà Nội vào 15.8.
Vai Thúy Kiều do NSƯT Trần Hoàng Yến thể hiện
Vũ kịch Kiều là vở diễn tổng hòa của phong cách ballet hiện đại kết hợp với văn hóa Việt Nam, sự hòa trộn nhuần nhuyễn các thủ pháp, kỹ thuật của múa ballet kinh điển châu Âu với múa truyền thống của Việt Nam, hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.
Theo Ban tổ chức, “Ballet Kiều” là một dự án nghệ thuật lớn, ấp ủ những sáng tạo nghệ thuật mới mẻ dựa trên nền tảng kỹ thuật ballet hiện đại chuẩn mực. Tác phẩm cũng là khát vọng chuyển tải những tinh hoa của văn hóa Việt Nam, những đặc trưng truyền thống và tư tưởng Á Đông sâu sắc. Đây là tác phẩm được kỳ vọng có tầm vóc lớn về giá trị nghệ thuật cũng như nội dung của Việt Nam trong dòng chảy nghệ thuật mạnh mẽ của nghệ thuật đương đại.
“Ballet Kiều” gồm 3 hồi 15 cảnh là những sắc thái tâm lý khác nhau, sự tiếp nối và tương phản của các bức tranh khác nhau làm lên sự lôi cuốn, hấp dẫn và bất ngờ qua từng khoảnh khắc. Một hành trình khát khao đi tìm hạnh phúc, khát khao sự tự do và công bằng cho con người, đặt trong bối cảnh ngang trái, éo le của xã hội đương thời đã làm nổi bật lên những giá trị nhân văn sâu sắc, qua hệ tư tưởng của triết lý phương Đông về nhân sinh và cội nguồn của bản thể con người.
Vũ kịch Kiều hòa trộn kỹ thuật múa ballet kinh điển châu Âu và nghệ thuật múa truyền thống Việt Nam
Sự hòa trộn nhuần nhuyễn các thủ pháp, kỹ thuật của múa ballet kinh điển châu Âu với múa truyền thống của Việt Nam, sự kết hợp ấn tượng giữa âm nhạc phong cách semi classic với âm điệu dân gian, dân tộc của Việt Nam, cùng với những hiệu ứng về phục trang, đạo cụ, sân khấu và nghệ thuật thị giác hiện đại, mới mẻ, sẽ hứa hẹn một tác phẩm múa gây đươc nhiều cảm xúc cho người thưởng thức. Âm nhạc của “Ballet Kiều” được sáng tạo bởi hai nhạc sĩ với phong cách khác nhau, Việt Anh và Chinh Ba.
Kịch bản của “Ballet Kiều” được chuyển thể bởi nghệ sĩ Tuyết Minh. Nghệ sĩ Tuyết Minh và nghệ sĩ Nguyễn Phúc Hùng cùng dàn dựng và biên đạo múa cho toàn bộ tác phẩm.
Những hình ảnh mới nhất của vở diễn tại buổi tổng duyệt trưa ngày 20.6
Được biết, Tuyết Minh chuyển thể Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du từ năm 2018, được đầu tư sáng tác từ đầu năm 2019. Theo biên đạo múa Tuyết Minh, khi chọn Ballet để dàn dựng, trước hết phải hình thành phong cách xuyên suốt của kết cấu ngôn ngữ múa, khi mà diễn viên nữ phải thể hiện trên giày mũi cứng, và diễn viên nam phải thể hiện được những kỹ thuật nền tảng của cổ điển châu Âu có nghĩa tiêu chí kỹ thuật, kỹ xảo phải đạt được niêm luật của bộ môn múa Ballet. Mặt khác để thể hiện được tâm hồn Việt, khắc họa được những nét tính cách nhân vật điển hình thì các diễn viên phải thấm đẫm văn hóa Phương Đông, cốt cách, tinh thần và bản sắc văn hóa của người Việt nên mỗi cử chi, động tác hay tổ hợp múa đều phải chắt lọc, đều phải có thủ pháp mang tính sáng tạo cao thì mới đủ chuyển tải hết tinh, khí, thần của các lớp diễn. Đối với nghệ thuật biên đạo, nếu không có nghề hoặc không có kinh nghiệm trong dàn dựng các vở diễn lớn sẽ dễ bị sa đà vào múa trang trí, tức là không bật ra được tính cách nhân vật, không toát lên được tinh thần của vở diễn với các lớp triết lý của từng cảnh diễn. “Thách thức lớn nhất khi chuyển tải tác phẩm này là phải hòa hợp Ballet văn hóa phương Tây với phong cách múa Dân gian, múa Truyền thống và văn hóa Phương Đông đậm bản sắc Việt”, biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ.
T.TRANG